Con người ta luôn có xu hướng yêu thích cái đẹp, thích làm đẹp cho bản thân, cho mọi thứ xung quanh. Thế nhưng đã bao giờ chúng ta để ý đến những con đường góc phố xung quanh đang tràn ngập rác thải hằng ngày, chính những hình ảnh đó đang khiến ta dần trở nên xấu xí, thậm chí những ảnh hưởng khôn lường mà nó đem lại mới chính là thứ đáng phải quan tâm. Mỗi ngày trên các phóng sự, bản tin đâu đâu cũng thấy nhắc đến băng tan, mưa axit,Trái Đất nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu hay lại thêm những vùng đất mới trở thành bãi rác công nghiệp. Tất cả những hiện tượng đó đều là những hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây nên. Đặc biệt, thực trạng ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam đang là một trong những vấn đề cấp bách cần quan tâm.
Để nhận thức rõ tình trạng ô nhiễm môi trường đất, trước hết ta cần hiểu ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường chính là tình trạng môi trường tự nhiên bị nhiễm bẩn, đồng thời các tính chất hoá học,vật lý, sinh học của môi trường bị thay đổi một cách tiêu cực gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác.
Từ đó có thể hiểu ô nhiễm môi trường đất là?
Ô nhiễm đất là một phần của sự suy thoái đất do hiện diện hóa chất xenobamel (do con người tạo ra) hoặc sự những sự thay đổi trong môi trường đất tự nhiên. Nó thường được gây ra bởi hoạt động sản xuất công nghiệp, hóa chất dư thừa trong nông nghiệp hoặc do xử lý chất thải không đúng quy định.
Thực trạng ô nhiễm môi trường đất tại Việt Nam
Theo các số liệu thống kê, tổng diện tích đất tự nhiên của Việt Nam là 33 triệu ha, trong đó 26,1 triệu ha đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, 3,7 triệu ha sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp và 3,3 triệu ha còn lại chưa được đưa vào vào sử dụng.
Thế nhưng đáng chú ý ở đây là hầu hết các khu vực không được sử dụng đã bị ô nhiễm, bị xuống cấp, sa mạc hóa hoặc đã mất giá trị do khai thác bất hợp lý quá mức. Trong tình hình dân số ngày càng tăng và sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị,khu công nghiệp mới một khu vực rộng lớn của quỹ đất phi nông nghiệp và nông nghiệp đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam, chất lượng đất ở hầu hết các khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. Hiện giờ, dọc theo bất cứ con đường, góc phố nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vừa gây mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến chất lượng đất xung quanh. Ngay cả những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi vẫn xảy ra không kiểm soát.
Bên cạnh thực trạng đó,quỹ đất càng ngày càng thấp và giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước ở Việt Nam. Quá trình quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh thành vẫn còn bộc lộ những hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành và lĩnh vực. Tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu mục đích sử dụng đất, suy giảm mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hoá, quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.
Bên cạnh đó, dư lượng hóa chất còn sót lại sau chiến tranh với khối lượng lớn, cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm làm tụt giảm chất lượng đất đai. Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 cho thấy quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam ít nhất 77 triệu lít thuốc diệt cỏ, một nửa trong số đó là chất độc màu da cam với hàm lượng độc tố cao, gây nhiễm độc đất nghiêm trọng.
Tại những khu vực đồi núi, những nơi có địa hình dốc, phải đối mặt với nguy cơ xói mòn đất. Trong khi đó, khu vực các tỉnh từ tỉnh Bình Bình đến Bình Thuận thì lại đang bị đe dọa bởi xu hướng sa mạc hoá. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn đối với tất cả các địa phương như đồng bằng sông Cửu Long được cho là nơi chịu thiệt hại lớn nhất đang phải đối mặt với nước biển dâng.
Tại Thái Nguyên, trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp đã thải ra một khối lượng lớn đất đá, khiến thu hẹp và suy giảm diện tích đất canh tác.Mặc dù hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phát triển nhanh chóng nhưng do sử dụng công nghệ lạc hậu, đa phần khai thác theo kiểu lộ thiên… nên khiến cho đất tại các khu vực khai khoáng đều bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất và ảnh hưởng đến cả sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực.
Tại Lâm Đồng, theo như quá trình quan trắc môi trường năm 2009, đạt được kết quả là đất ở đây là đất vừa có tính acid vừa có tính kiềm. Sở dĩ như vậy là do bị ảnh hưởng nhiều bởi việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp. Thành phần đất trên ở Lâm Đồng hầu hết là đất sét với tỉ lệ phần trăm khá cao.
Nhất là đối với đặc điểm đất đồi núi chiếm ¾ lãnh thổ hơn nữa nước ta lại thuộc vùng nhiệt đới mưa nhiều và tập trung, nhiệt độ không khí cao khiến cho các quá trình khoáng hóa diễn ra rất mạnh trong đất nên đất trở nên dễ bị rửa trôi, xói mòn, nghèo các chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng dần dần dẫn tới thoái hóa đất. Đất đã bị thoái hóa sẽ rất khó có thể khôi phục lại trạng thái màu mỡ ban đầu.
Tóm lại:
Thực trạng ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam đang đứng trên đà báo động, cần được nhận thức và xử lý kịp thời.Ngay từ bây giờ mỗi cá nhân hãy tự ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ và cải tạo môi trường đất.